Những sắc màu Tây Ban Nha

Tây Ban Nha - một cái tên đầy hình ảnh. Nó luôn gợi cho người ta nhớ đến chàng hiệp sĩ lạ đời Don Quixote, những chàng matador dũng cảm trong các cuộc đấu bò kịch tính, hay các vũ nữ xoay tròn trong điệu flamenco đầy đam mê. Nằm ở nơi giao hội giữa các luồng ảnh hưởng văn hóa Âu châu và Hồi giáp, Tây Ban Nha có vô vàn những vẻ đẹp cũng như những nét tương phản, và  là sự pha trộn giữa truyền thống và hiện đại.

Trong lịch sử, nền văn hóa của Tây Ban Nha đã trải qua các thời kỳ như Celtiberian, La Mã, Visigothic, Hồi giáo, Thiên chúa giáo La Mã. Tây Ban Nha là một trong những quốc gia có nền văn hóa đặc sắc nhất trên thế giới. Do từng có hệ thống thuộc địa rộng lớn vào thế kỉ 16 nên những ảnh hưởng văn hóa của Tây Ban Nha đã trải rộng trên khắp thế giới, từ vùng Địa Trung Hải cho đến tất cả thuộc địa cũ của nước này (bao gồm miền nam nước Mỹ, Mexico, Trung Mỹ, các nước Nam Mỹ trừ Brasil và một số nước khác, vùng biển Caribbean, Philippines).

1, Hội họa

Hội họa Tây Ban Nha là một thành phần không thể thiếu của hội họa châu Âu và có tầm ảnh hưởng rất lớn. Do sự đa dạng về lịch sử, địa lý, văn hóa, hội họa Tây Ban Nha cũng chịu ảnh hưởng của rất nhiều những nền hội họa khác nhau như Pháp, Italia. Đất nước này là quê hương của rất nhiều họa sĩ nổi tiếng toàn thế giới trong hai trường phái Baroque và hiện đại.

Trong trường phái hội họa Baroque, Tây Ban Nha có hai họa sĩ rất nổi tiếng là Diego Velázquez (1599-1660) và Francisco Goya (1746-1828). Diego Velázquez là họa sĩ hàng đầu dưới triều vua Philip IV. Ông là một họa sĩ theo chủ nghĩa cá nhân, ngoài những tác phẩm vẽ những bối cảnh lịch sử và văn hóa, ông còn vẽ về các gia đình hoàng tộc của Tây Ban Nha và những người bình dân. Còn Francisco Goya là một họa sĩ chuyên vẽ những tranh chân dung về các vị vua của Tây Ban Nha và gia đình hoàng tộc của các vua Charles IV của Tây Ban Nha và vua Ferdinand VII. Ông còn vẽ tranh về các dịp lễ hội, phác thảo tranh châm biếm, những cảnh chiến tranh và các trận đánh. Ông cũng từng tham gia cách mạng Tây Ban Nha.

Trong thế kỉ 20, một trong những họa sĩ nổi tiếng nhất toàn thế giới của Tây Ban Nha là danh họa Pablo Picasso (1881-1973). Cùng với Georges Braque, ông được coi là người đồng sáng lập của trường phái hội họa lập thể. Cũng không thể không nhắc tới Salvador Dalí (1904-1989), một họa sĩ lớn khác của Tây Ban Nha theo chủ nghĩa siêu thực. Ông còn là một nhà điêu khắc, nhiếp ảnh và sản xuất phim và từng đoạt giải Oscar với bộ phim hoạt hình Destiny. Năm 1982, ông được vua Tây Ban Nha Juan Carlos phong chức hầu tước và được trao tặng huân chương Isabella.

2, Văn học

Văn học Tây Ban Nha là một trong những nền văn học có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Nhắc đến văn học Tây Ban Nha, người ta không thể không nhắc tới tác phẩm văn học kinh điển và được yêu thích nhất của đất nước này: tác phẩm Đôn Kihôtê của nhà văn Miguel de Cervantes Saavedra (1547-1616). Đôn Kihôtê là một trong những tiểu thuyết sớm nhất ở châu Âu thuộc thể loại chấm biếm, trào phúng. Tác phẩm nói về nhân vật chính Đôn Kihôtê bị hoang tưởng bởi những câu chuyện kiếm hiệp và những chuyến phiêu lưu kỳ cục, lố bịch của ông ta. Đây là một trong những tác phẩm văn học kinh điển được không chỉ người Tây Ban Nha mà cả thế giới yêu thích.

Tây Ban Nha đã từng có 5 nhà văn đoạt giải thưởng Nobel về văn học. Đó là José Echegaray y Eizaguirre (năm 1904), Jacinto Benavente y Martínez (năm 1922), Juan Ramón Jiménez (năm 1956), Vicente Aleixandre (năm 1977) và Camilo José Cela (năm 1989).

3, Kiến trúc

Kiến trúc Tây Ban Nha, cũng như các mặt khác của nền văn hóa này cũng trải qua nhiều giai đoạn và chịu ảnh hưởng của nhiều phong cách kiến trúc khác nhau, đồng thời cũng có ảnh hưởng lớn đến kiến trúc của một số quốc gia khác. Dưới Đế chế Hồi giáo, mà cụ thể là vương triều Umayyad, thành phố Cordoba được thành lập và trở thành một thủ đô văn hóa của người Hồi giáo.

Cũng như các mặt khác của nền văn hóa nước này, kiến trúc Tây Ban Nha trải qua nhiều giai đoạn và chịu ảnh hưởng của nhiều phong cách kiến trúc khác nhau, đồng thời chính phong cách kiến trúc rất riêng của mình, kiến trúc Tây Ban Nha có ảnh hưởng lớn đến một số quốc gia khác trên thế giới. Trong đó, phong cách kiến trúc Hồi giáo được du nhập vào Tây Ban Nha và để lại rất nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng, tiêu biểu là cung điện Alhambra. Đồng thời, những vương quốc Thiên chúa giáo ở Tây Ban Nha cũng hình thành phong cách nghệ thuật của riêng họ, ban đầu khá cách biệt với những phong cách kiến trúc châu Âu nhưng về sau đã hòa nhập vào các dòng kiến trúc La Mã và Gothic và đạt đến đỉnh cao nghệ thuật. Phong cách kiến trúc Mudéjar từ thế kỉ 12 đến thế kỉ 17 là kết quả của sự hòa trộn giữa các ảnh hưởng văn hóa của châu Âu và Ả Rập.

Khoảng cuối thế kỷ thứ 15, trước khi chịu ảnh hưởng của châu Mỹ La tinh với lối kiến trúc thời kỳ thuộc địa, tự bản thân đất nước Tây Ban Nha cũng đã trải qua kiến trúc thời Phục hưng, hầu hết là do các kiến trúc sư địa phương triển khai. Lối kiến trúc Baroque Tây Ban Nha nổi bật nhờ vào nét trang trí hoa mỹ kiểu Churriguesque, phát triển hoàn toàn tách biệt khỏi các dòng ảnh hưởng trên thế giới sau này. Lối kiến trúc thuộc địa, vốn tồn tại suốt bao thế kỷ, vẫn còn có ảnh hưởng mạnh mẽ tại Châu Mỹ La tinh. Trường phái tân cổ điển đạt đến đỉnh cao với công trình của kiến trúc sư Juan de Villanueva và các học trò của ông.

Thế kỷ thứ 19 có hai diện mạo: các cố gắng kỹ thuật để có được một ngôn ngữ mới và đem lại những cải thiện về mặt kết cấu, sử dụng sắt và thủy tinh làm loại vật liệu xây dựng chính, và sự chú trọng học thuật, trước hết vào chủ phong cách chiết trung và phục hưng, sau đến phong cách địa phương. Sự xuất hiện của phong cách tân thời trong quá trình xây dựng các trường đấu đã tạo ra những công trình tiêu biểu như là Gaudi và hầu hết lối kiến trúc trong thế kỷ thứ hai mươi. Các nhóm như GATEPAC đi đầu trong phong cách quốc tế.

Vào đầu thế kỉ 20, phong cách kiến trúc tân thời đã được hình thành bởi một số kiến trúc sư tài danh như Antoni Gaudí. Những phong cách kiến trúc hiện đại của quốc tế ngày càng phát triển. Tây Ban Nha đã có một cuộc cách mạng trong lĩnh vực kiến trúc, được xây dựng nên bởi hàng loạt những kiến trúc sư nổi tiếng như Rafael Moneo, Santiago Calatrava, Ricardo Bofill và rất nhiều người khác đã làm nên những công trình kiến trúc của thế giới hiện đại ngày nay. Hiện nay, Tây Ban Nha đang trải qua một cuộc cách mạng trong ngành kiến trúc đương đại và các kiến trúc sư Tây Ban Nha chẳng hạn Rafael Moneo, Santiago Calatrava, Ricardo Bofill cũng như nhiều người khác đã tạo dựng được danh tiếng trên khắp thế giới.

Vì có liên hệ đến mỹ thuật, nhiều địa điểm kiến trúc ở Tây Ban Nha, và thậm chí cả những khu vực trong các thành phố, đã được UNESCO bình chọn là Di Sản Thế Giới và được đánh giá là có số lượng Di Sản Thế Giới cao thứ nhì quốc tế, chỉ sau Italia, như:

Cung điện Alhambra xây dựng trên đỉnh đồi nhìn xuống thành phố Granada, được UNESCO công nhận là di sản thế giới từ năm 1994. Đây là một thành tựu kiến trúc lớn nhất ghi dấu văn minh Hồi giáo tại đất nước Tây Ban Nha.

Ngoài những hoa văn, họa tiết đặc trưng của đạo Hồi, cung điện còn mang nhiều hình dạng đặc trưng của kiến trúc Hy Lạp, La Mã cổ đại. Vì thế cung điện Alhambra còn chứa đựng kiến thức uyên bác về Hy Lạp cổ điển.

Quần thể cung điện Alhambra được xây dựng từ thế kỷ 13 là một viên ngọc của kiến trúc Hồi giáo ở châu Âu. Khu phức hợp được bao quanh bằng một tường bao bảo vệ và cách biệt cung điện với thành phố. Những khu cổ nhất của cung điện có niên đại từ thế kỷ 11 và 12.
Vào thế kỷ 13, Alhambra là nơi thu hút sự quan tâm, bởi nó mang đặc điểm của công trình quân sự. Vì thiếu nguồn tư liệu chi tiết nên việc xác định niên đại của nhiều bộ phận khác nhau trong cung điện Alhambra chỉ có thể khẳng định bằng cách vận dụng giả thuyết và xét đoán bề ngoài. Sân cung điện bao quanh bởi một mái cổng có tổng cộng 124 cột hoa cương, tập trung quanh Vòi phun Sư tử nổi tiếng Bên trong cung điện, ngói gốm đa sắc lấp kín nhiều khoảng không gian nội ngoại thất. Các bức tường hầu như còn nguyên với những họa tiết tinh xảo và không lặp lại khi bước sang căn phòng khác. Mỗi góc nhỏ của cung điện đều mang tính thẩm mỹ rất lớn.

Điểm ấn tượng nhất của cung điện Alhambra là công trình trát vữa không xoa láng, trang trí bằng các motif thực vật và những câu đề khắc. Các nghệ nhân đã khéo léo chạm khắc trên tường, cột và trần nhà những chữ khắc cổ rất tinh xảo, 10% trong số đó là các vần thơ. Chính những người theo trường phái lãng mạn và giới họa sỹ Anh nói riêng, là những người phát hiện ra cung điện và làm cho thế giới phương Tây chú ý trong thế kỷ 19, lý tưởng hóa và biến cung điện thành một nơi huyền thoại. Cũng từ thế kỷ 19, cung điện Alhambra trở thành nơi thu hút du khách nổi tiếng.

Kỳ quan của Alhambra không nằm ở tính chất bất hủ, vẻ hùng vĩ hay sự phong phú, cũng không phải cung điện có bất kỳ sự hợp nhất phong cách nào. Thay vào đó, nét quyến rũ của Alhambra chủ yếu là sự trang trí phi thường mà thiên nhiên cũng như kiến trúc cùng mang đến.
Thánh đường Sagrada Familia, đại diện cho kiểu kiến trúc Gothic. Công trình nằm ở trung tâm thành phố Barcelona - một trong những địa danh được coi là biểu tượng của đất nước Tây Ban Nha. Được khởi công từ năm 1882, và cho đến nay, trải qua 124 năm, nhà thờ này vẫn chưa hòan thành. Hàng năm, công trình kiến trúc độc đáo này thu hút 5 triệu khách du lịch đến thăm quan và chiêm ngưỡng, và được xem là một công trình đồ sộ với nghệ thuật kiến trúc tinh xảo.

Xuất phát từ mong muốn xây dựng một đại thánh đường cho các tín đồ thiên chúa giáo, người đứng đầu của giáo hội Hose Maria Bokaberra đã đứng ra quyên góp tiền để xây dựng công trình này. Vào năm 1882, công trình này được khởi công xây dựng với sự phụ trách của F.P.Pirial Rosase, người đã hòan thành phần thánh đường ngầm của công trình, nhưng từ năm 1883, nó được phụ trách bởi nhà kiến trúc sư trẻ 31 tuổi Antonio Gaudi. Những ý tưởng kiến trúc độc đáo của ông đã được kế tục và xây dựng cho đến ngày nay. Và đỉnh cao nhất của thánh đường Sagrada Familia là mái cupôn hay mái bát úp khổng lồ, dự định đạt đến chiều cao 170m khi hoàn tất.  Quanh mái bát úp có 4 vòng xoắn khác, cho dù không xây dựng, cao đến 130m tượng trưng cho 4 vị Thánh sử, trong khi một vòng xoắn thứ 5, cao 140m bên trên gian nhà con hình bán nguyệt cuối nhà thờ tượng trưng cho Đức mẹ Maria đồng trinh. Chủ đề theo chiều thẳng đứng được hoàn tất bằng 4 tháp trên đỉnh của mỗi trong số 3 mặt tiền. 12 tháp này tượng trưng cho 12 vị thánh tông đồ, mỗi tháp cao khoảng 100m.

Ngoài ra, tòa tháp hướng ra ba mặt: phía Đông tượng trưng ngày Chúa ra đời, phía Tây tượng trưng tượng trưng cho sự Khổ nạn của chúa Jésus, còn tháp lớn nhất ở phía Nam tượng trưng cho thiên đàng. Có thể nói thiết kế của nhà thờ đầy ắp biểu tượng tôn giáo.

Thánh đường này, khi hòan thành sẽ có tất cả 18 chiếc tháp, tuy nhiên, qua hơn 100 năm mới chỉ có 8 tháp được hòan thành, qua đó chúng ta có thể hiểu được qui mô của công trình này lớn như thế nào. Hiện tại 4 chiếc tháp khác đang tiếp tục được xây dựng và khi hòan thành, sẽ đạt độ cao 170 m. Tiếp sau đó, sẽ xây dựng thêm năm tháp mới bao gồm có tháp trung tâm có gắn cây thánh giá, cùng với các tháp Đức Mẹ Maria, tháp Thánh Phúc Âm,v.v…

Và rất nhiều tòa lâu đài nổi tiếng có bề dày lịch sử mấy trăm năm và nhiều công trình kiến trúc đạt đỉnh cao nghệ thuật như: Bảo tàng Prado - nơi có bộ sưu tập tranh thế giới tốt nhất châu Âu; Đền Debod; Las Ventas - một trong những đấu trường nổi tiếng của Tây Ban Nha; Nhà thờ La Giralda; Alcazar – nơi nghỉ mát của Hoàng gia Tây Ban Nha; Thủ đô Madrid nổi tiếng với những địa danh lịch sử, những viện bảo tàng, những đại lộ rộng lớn, những con phố náo nhiệt và những quán café ngoài trời.